image banner
BÀI VIẾT VỀ HOẠT ĐỘNG LƯU TRÚ TẠI DOANH NGHIỆP 3 TẠI CHỖ - Bài 02 Ngày 11/09/2021
BÀI VIẾT LƯU TRÚ TẠI DOANH NGHIỆP "3 TẠI CHỖ"
“Mẹ ơi! Con sẽ về khi đất nước chiến thắng Corona”
Là cô con gái duy nhất của gia đình, từ bé tôi đã luôn được ba mẹ nuông chiều và bảo bọc, bởi cũng sẵn mang trong mình một tính cách yếu đuối và nhút nhát nên cũng ít khi nào rời xa gia đình. Lần đầu tiên xa nhà là lần khăn gói vào cánh cửa đại học và lần thứ hai là lần “nhập ngũ bất đắc dĩ” như bây giờ.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và trở thành mối nguy hiểm cho toàn cầu, Việt Nam đã luôn đi trước và vững vàng trong công tác phòng chống dịch. Thế nhưng, trước những biến thể khó lường của virus ngày càng diễn ra trên diện rộng và phức tạp hơn. Để thực hiện công cuộc vừa đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, công ty tôi đã quyết định thực hiện “lưu trú 3 tại chổ” theo phương án của chính phủ ban ngành.
Là kinh tế chính của gia đình, tất cả mọi chi phí sinh hoạt đều nhờ vào đồng lương của tôi, khi đứng trước 2 sự lựa chọn một là ở nhà, hai là lưu trú 3 tại chỗ ở công ty, tôi đã không ngần ngại mà lựa chọn giải pháp thứ hai. Từ đó, khái niệm “lưu trú ba tại chỗ” bắt đầu xuất hiện và cũng là lúc hành trình “nhập ngũ” của tôi bắt đầu.
Những ngày đầu lưu trú cảm giác thật lạ lẫm nhưng dần rồi cũng thành quen, đối với riêng tôi mọi ký ức thời sinh viên ùa về bởi quá trình “nhập ngũ bất đắc dĩ” này giống như các cô cậu sinh viên năm ấy đi học quân sự vậy. Ở đây chúng tôi học được rất nhiều điều đáng quý trong cuộc sống: trân trọng những bữa ăn hơn, cơm sao cũng được miễn là có ăn, ngủ ở đâu cũng được miễn là có thể ngon giấc, làm gì cũng được nhưng phải chú ý giữ gìn sức khỏe.
Nếu sau này, khi đại dịch đã kết thúc, chúng ta được trở về cuộc sống bình thường tôi sẽ chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc mấy chị em cùng nhau lên youtube học cách gấp mùng rồi hì hục mãi mới tìm ra cách gấp, những củ khoai lang cháy xém vì đang nấu dở tay lại bận việc rồi quên bén đi mất hay những cuộc trò chuyện thao thao bất tuyệt về mọi chủ đề... nhờ đó chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn vì bình thường làm việc ai cũng bận rộn vùi mình vào công việc cũng có khá ít thời gian để tâm sự những chuyện riêng tư. Cứ mỗi buổi tối như thường lệ chúng tôi lại mỗi người một góc gọi về cho người thân của mình.Tôi ấn tượng với một chị cùng phòng, chị ấy là một người mẹ đơn thân mạnh mẽ và độc lập, không có lựa chọn nào khác, chị gửi bé con(5 tuổi) cho ông ngoại rồi khăn gói vào công ty, mỗi lần bé con gọi là mỗi lần mèo nheo với mẹ:
“mẹ ơi! Khi nào mẹ về với con? Con nhớ mẹ nhiều lắm” chỉ nghe vậy thôi cũng đủ cay cay khóe mắt, chị tâm sự rằng: “chị nhớ con chị lắm, nó cứ khóc đòi mẹ hoài, nhưng chị ráng làm để có đồng ra đồng vô với lại chị ở lại để mọi người cũng có động lực ở lại, chứ giờ chị đi cũng sẽ kéo nhiều anh chị em lung lay theo”.
Mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau mà buộc họ phải không ngừng cố gắng, nhất là trong thời buổi đại dịch khó khăn như hiện nay. Về phần tôi thì trước khi đi vẫn kịp tạo cho ba mẹ 1 chiếc tài khoản zalo để tiện liên lạc và cũng không quên hướng dẫn luôn cách sử dụng vì đa số những người lớn tuổi cũng không rành về mạng xã hội. Cứ thế đều đặn gọi video call về nhà đều là do mẹ bắt máy, lần nào mẹ cũng hỏi một loạt câu: Con biết khi nào được về chưa? hôm nay con làm việc có mệt không? ăn cơm có được không? ở đó có gì ăn vặt không? Con ngủ có ngon không?... rồi khóe mắt mẹ lại rưng rưng, tôi biết mẹ lo lắng nhiều lắm, về phần ba thì chỉ đứng phía sau chăm chú nhìn qua màn hình điện thoại rồi lẳng lặng bỏ đi, giây phút yếu lòng ấy tôi chỉ muốn chạy về nhà ngay với ba mẹ, đối với tôi đều hạnh phúc nhất là mỗi ngày gọi về nhà vẫn biết được ba mẹ vẫn khỏe, nhất là mẹ, người mang trong mình khá nhiều căn bệnh mà có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Từ ngày đi đến nay đã 2 tháng trôi qua, đến nay tôi để ý thấy mái tóc ngày càng bạc đi của mẹ, vết chân chim trên đôi mắt nheo nheo của ba và bộ râu dài cũng chợt phủ nhẹ bằng vài cọng râu đã ngả màu trắng xóa, lúc đấy tôi biết ba mẹ mình đã ngày càng già đi còn tôi thì phải cố gắng nhiều hơn nữa, tự nhủ mình không được phép yếu đuối mà phải càng mạnh mẽ hơn để là trở thành niềm tin vững chắc cho gia đình mình.
Tôi biết sẽ có nhiều anh chị em cũng sẽ có những phút chốc yếu lòng nhưng chúng ta hãy nhớ đến những hy sinh thầm lặng của tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch.Cũng là những người con, người cha, người mẹ trong gia đình, đã bao lâu rồi họ không được về nhà sum họp cùng người thân? Hình ảnh những người lính căng mình nơi biên giới ngăn chặn mọi hành vi xuất nhập cảnh trái phép có thể mang theo những mầm bệnh, những y bác sĩ ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh để bảo vệ tính mạng bệnh nhân, những chú bộ đội chấp nhận “màn trời, chiếu đất” nhường chỗ cho đồng bào nơi khu cách ly, những dân quân với chiếc áo ướt đẫm vì mồ hôi hay nước mưa trong lúc làm nhiệm vụ, họ chấp nhận xa gia đình, họ đánh đổi cả những mối hiểm nguy vô hình đang rình rập xung quanh họ, chiến đấu hết mình để giành giật lại cuộc sống bình yên cho tất cả chúng ta.
Bởi vậy “nếu chúng ta không thể là tuyền tuyến vững mạnh thì hãy là hậu phương vững chắc”. Ông bà ta có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” tôi luôn có một niền tin mãnh liệt nếu chúng ta cùng đồng lòng chống dịch, chúng ta sẽ chiến thắng Corona vào một ngày không xa.
Lời cuối cùng chúc tất cả mọi người luôn bình an, mạnh khỏe và làm việc thật hiệu quả. Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình nhé!
Minh Hưng, 11/9/2021
Cao Thị Nhật Hà- Công Ty TNHH JIAWEI
BÀI THI VIẾT LƯU TRÚ TẠI DOANH NGHIỆP

Trang thông tin điện tử Công đoàn các khu Công nghiệp tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Khu phố 1, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: (0271).3.603.779

Email: congdoankcnbp@gmail.com

 Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch Công đoàn các khu Công nghiệp tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị